Năm 2019, số người siêu giàu (sở hữu tài sản có thể đầu tư trên 30 triệu USD) tại Việt Nam là 405 người. Song sang năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến con số này giảm còn 390 người.
Theo số liệu mới nhất của hãng Knight Frank, để lọt top 1% dân số giàu nhất ở Monaco - công quốc vùng Địa Trung Hải, nơi cư dân thường không phải đóng thuế thu nhập - lượng tài sản ròng mà một cá nhân cần sở hữu là khoảng 8 triệu USD. Trong khi đó, con số này ở Việt Nam là 160.000 USD.
Mỹ có nhiều người siêu giàu nhất...
Sau Monaco, Thụy Sỹ và Mỹ là những nước có ngưỡng cao tiếp theo để lọt top 1% giàu nhất. Cụ thể, tại hai quốc gia này, mức tài sản cần thiết để vào nhóm 1% tương ứng là 5,1 triệu USD và 4,4 triệu USD. Nhận xét về kết quả này, ông Liam Bailey, Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Knight Frank cho biết: "Có thể nhìn thấy rõ tác động của chính sách thuế đối với giới nhà giàu. Kết quả này cũng phản ánh độ sâu và chiều rộng của thị trường Mỹ".
Mỹ cũng là quốc gia có số người siêu giàu (ultra-high net-worth individual - UHNW, những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên) nhiều nhất, bất chấp tốc độ tăng trưởng và tải sản tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hong Kong tăng mạnh thời gian vừa qua. Số cá nhân đạt mức tài sản như trên tại Mỹ là 180.100 người, tại Trung Quốc là 70.400 người.
...nhưng tốc độ tăng số người nhóm này tại châu Á - Thái Bình Dương lại nhanh nhất
Giới tỷ phú khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện sở hữu tổng tài sản 2,7 nghìn tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với ở thời điểm cuối năm 2016. Dự báo, khu vực này sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng số cá nhân siêu giàu giai đoạn 2020-2025, với mức tăng 39% (trung bình toàn cầu là 27%).
Dự kiến tới năm 2025, dân số siêu giàu châu Á sẽ chiếm 24% toàn cầu, tăng 17% so với một thập kỷ trước. Ước tính tốc độ tăng trưởng người siêu giàu tại Việt Nam đạt 31% trong giai đoạn này, với 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD vào năm 2025. Trung Quốc sẽ là động lực chính cho xu hướng này khi số lượng người siêu giàu tại nước này được dự báo tăng 46% trong 5 năm tới, lên 103.042 người vào năm 2025.
Trong năm 2020, dân số siêu giàu trên toàn cầu tăng 2,4%, lên hơn 520.000 người nhờ cú hích từ lãi suất thấp và các gói cứu trợ Covid-19. Đặc biệt, chứng khoán, vốn chiếm khoảng 25% tài sản của giới siêu giàu, là động lực chính giúp tài sản của họ tăng mạnh trong năm 2020.
Khoảng cách ngưỡng gia nhập tầng lớp 1% hai quốc gia đầu và cuối bảng là 400 lần
Mặc dù vậy, Covid-19 lại làm gia tăng mạnh khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo. Trong năm 2020, dân số siêu giàu trên toàn cầu tăng 2,4% lên hơn 520.000 người nhờ cú hích từ lãi suất thấp và các gói cứu trợ Covid-19. Đáng chú ý, top 500 người giàu nhất thế giới đã chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng thêm tổng cộng 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2020, với 2 tỷ phú Mỹ Elon Musk và Jeff Bezos là hai người có mức tăng tài sản lớn nhất.
Trong khi đó, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 2 triệu người ở các quốc gia châu Phi rơi vào cảnh nghèo đói do cuộc khủng hoảng Covid-19. Ngưỡng để gia nhập tầng lớp 1% ở Monaco cao gấp khoảng 400 lần so với ở Kenya - nước có thứ hạng thấp nhất trong cuộc khảo sát của Knight Frank.
Tính trong khu vực châu Á, ngưỡng để gia nhập tầng lớp 1% tại Việt Nam là 160.000 USD. Điều kiện này tại Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục lần lượt là 1,2 triệu USD và 850.000 USD. Tại Malaysia là 540.000 USD, Philippines và Indonesia cùng là 60.000 USD.
Năm 2019, số người siêu giàu (sở hữu tài sản có thể đầu tư trên 30 triệu USD) tại Việt Nam là 405 người. Song sang năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến con số này giảm còn 390 người. Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng chứng kiến số lượng người siêu giàu giảm trong năm ngoái, điển hình như Đức, New Zealand, Nga, Thái Lan.../.
Theo Anh Vũ /Doanh nghiệp và Tiếp thị